Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

HÀ NỘI _ MÁU VÀ HOA !

Hà Nội - Máu & Hoa . ( Bài này tôi đã viết từ mùa đông năm 2012 , mỗi dịp trung tuần tháng 12 hàng năm lại mở ra xem lại : Lần nào cũng vậy một cảm xúc bùi ngùi trào dâng , mắt rưng lệ nhớ về một thời khốn khó chúng ta đã vượt qua )
Hà Nội bốn mươi năm trước
( Hồi ức của Bình Tàu )

Bốn mươi năm về trước chúng tôi , một lũ thiếu niên mới lớn lên bước vào tuổi thanh niên choai choai , gà chưa vỡ bọng cứt .Vậy mà khối đứa đã dậy thì rồi đấy ! Đang tuổi ăn , tuổi ngủ . Vô lo vô nghĩ chỉ biết ăn , học , chơi người lớn bảo sao nghe vậy . Chỉ hiểu mù mờ về chiến tranh , bom đạn , chết chóc .
Sau đợt phát động lại cuộc chiến tranh trên không của người Mĩ qua vĩ tuyến 17 vào miền Bắc , dân Hà Nội lại được nghe tiếng còi ủ rền rĩ báo động trên nóc nhà Hát nhớn . Bốn mươi năm rồi vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng cô phát thanh viên đài truyền thanh Hà Nội trên chiếc loa Galen treo trên góc nhà : “ Đồng bào chu ý ! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số , đồng bào khẩn trương xuống hầm trú ẩn . Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu !” .Người bống thấy nao nao , rạo rực , mắt cay sè .
Thời đó hẳn ai sống ở Hà Nội cũng nhớ mở đầu đợt II là của Nixson không kích Hà Nội là ngày 16.04.1972 . Trưa hôm đó đang xếp hàng mua cá bể ở của hàng thực phẩm Vân Hồ tôi chạy tọt sang trú vào hầm của khu Liên cơ , máy bay gầm rít , súng nổ rền trời ,mảnh đạn rơi rào rào xuống hàng xà cừ bên đường . Bom trúng kho xăng Đức Giang khói bay ngút trời , ba ngày sau mới hết . Ở quán bia Ngọc Hà một người dân xuống hố tăng xê rồi mải nhô đầu lên xem không chiến bị rốc két bắn bay đầu . Tối hôm đó lần đầu tiên B52 đánh sâu vào Miền Bắc , chúng rải thảm cảng Hải Phòng từ cổng Cảng số 2 xuống đến tận cảng Chùa Vẽ gây cho chúng ta thiệt hại nặng nề . Khi xem trộm tài liệu “ mật “ của ông Bố thì biết trận đó riêng tên lửa ta phóng hơn 100 quả nhưng không hạ được một tàu bay nào ?
Rồi Nixson đã làm được điều mà Johnson không làm được : Bắn sập cầu Long Biên , đánh hỏng nhà máy đèn Yên Phụ , bắn tan đại sứ quán Pháp trên phố Bà Triệu, bắn bay đồng hồ ga Hàng Cỏ hòng uy hiếp tinh thần người dân Hà Nội . Dân Hà Nội ùn ùn kéo nhau đi sơ tán : Người có họ hàng , quê quán thì về quê , kẻ không có quê thì sơ tán theo cơ quan , trường , trại … Chỉ có những người khỏe mạnh và có nhiệm vụ mới được phép ở lại Thủ đô ấy vậy mà hễ hở ra ngơi tiếng bon , ngớt tiếng tàu bay là ai nấy cũng nhấp nhổm muốn bò về nhà xem sao ?
Anh em nhà chúng tôi từ tháng 6.1972 đã dắt díu nhau lên nhà ông bác ở phủ Vĩnh Tường quê hương ông Tổng Cóc sơ tán , sau rồi chê chán vì xa bố mẹ đến tháng 10 các cụ lại đón về Gia Bình – Đông Côi – Thuận Thành ngay sát bến Hồ với chiến công cái đầu cô em gái út đầy chấy ( dễ có đến mấy trăm con ) đến phát khiếp .
Cũng lạ thời đó liều mạng chẳng biết sợ là gì , cứ cách một tuần thứ 7 hay chủ nhật là tôi lại đạp xe đạp một mình về Hà Nội thăm bố mẹ và lấy đồ tiếp tế về cho các em. Quãng đường từ nhà qua cầu phao Chương Dương , dọc đê Bồ Đề hướng ra Phi trường qua Thạch Bàn xuôi Sủi , Dâu , Keo đến Đông Côi dễ cũng hơn ba chục cây số chẳng thấm gì so với sức tuổi 16 bẻ gãy sừng bò , giờ nghĩ lại thấy mà khiếp !
Lo cho con sợ nó thất học , Cha tôi liền gửi tôi sơ tán theo trường cũ (Số là tôi đang học lớp 8H trường PTCN Đống Đa thì chuyển về học lớp 8A trường PTCN Hai Bà Trưng trong ngõ Mai Hương cho gần nhà ).
Trường chúng tôi sơ tán ở tại Quảng Bị - Chương Mĩ – Hà Tây . Những ai thủa trước còn nhớ lại không : Từ Bờ Hồ lên xe Kaloosa đi Hà Đông – qua ngầm Mai Lĩnh – đến Trúc Sơn ( núi Ông Bụt ) tiền vé xe chỉ hết có hai hào thôi . Khổ nỗi phải đi bộ lếch thếch 6 cây số mới tới Quảng Bị . Trên vai ba lô , nách cắp túi dết , tay xách bàn học cá nhân kiểu bàn gấp xếp giống lão ba tàu bán nộm bò khô hay lạc ngọt húng lùi ở quán bia Cổ Tân .
Tôi được xếp ở nhà bà Ba Khuyến cùng thằng Vũ cương ( bây giờ nó làm sếp lớn ở giày Hiệp Hưng trong Sài Gòn ) , Bà và hai thằng con trai quí mến bọn tôi lắm , lo từng miếng ăn, giấc ngủ đến bọn trai làng hay giở trò trêu , ghẹo bắt nạt dân Hà Nội sơ tán . Trộm nghĩ bây giờ làm sao có được sự xẻ chia , tình cảm thân thương đó nữa ? Ngày đi học qua cánh đồng làng bên , chiều ra sân kho HTX đá bóng , tối ra bờ sông Đáy bên cầu nghêu ngao hát nhạc vàng, phì phèo thuốc lá và ăn kẹo dồi – đứa nào cũng tranh nhau đọan cuối của khúc kẹo dồi mà nhớ !
Thế rồi chỉ một vài tuần không chịu được cảnh nhớ nhà , xa Thủ Đô từng nhóm nhỏ trốn cô chủ nhiệm lẻn về Hà Nội . Tôi và thằng Vũ Cương trốn về nhà rồi rủ nhau đi chơi công viên Thống Nhất ra Quán Gió uống cà phê bị mấy chú công an đồn 26 thu chiếc mũ lưỡi trai Mĩ với lí do đội mũ của đội phương ( mấy chú ca thấy mũ lạ thì hỏi – thằng Cương thật thà khai báo ) . Anh thằng Cương lính pháo binh 130 li vừa ở chiến trường mới ra , nó lấy trộm mũ đội cho oai , mất mũ thì về nhà nó chết ! May sao có mấy anh Bội đội ngồi cạnh biết chuyện can thiệp mấy tay CA kia mới chịu trả lại . Về nhà tôi , tôi lấy quần bò Tây Đức cho nó mặc thử , nó cao to mặc vừa như in. Tôi bảo quần của tao mày mặc đi ( Quả quần ông anh nhà tôi mới đi Đức về cho em ) khốn nạn thân nó mặc về đến nhà bị bà mẹ vốn là dân vật lí học ở Nga về rít lên : Trả ngay ! Sao lại giao du với bọn ăn chơi , sặc mùi Tư bản như thế này ! Không được ! Không được !
Nó nước mắt ngắn dài ôm quần trả tôi . Hắn ôm bọc bánh mì cắt lắt sấy khô ròn tan như bánh bích qui ( Mẹ nó làm tại viện vật lí có lò sấy điện ) cùng tôi phi con xe đạp thiếu nhi Liên Xô về nơi sơ tán . Qua Ba La Bông Đỏ ăn phở mậu dịch có người lái năm hào ,tranh thủ đút mấy cái thìa đục đáy vào túi thế là lãi . Qua ngầm Mai Lĩnh thằng khỉ cầm lái tinh vi buông cả hai tay mặc xe phi ầm ầm xuống ngầm , miệng hét : “ bay như tàu bay “ để rồi gặp một hòn đá nhỏ hai thằng ngã quay lơ , nó sớt hết mặt mũi , tôi bị sướt tí ti . Chỉ bổ cho tôi mấy hôm sau cứ phải chén đồ tiếp tế một mình .
Trung tuần tháng chạp năm 1972 chúng tội lại lò dò về nhà , không khí chiến tranh ngẹt thở nghe mùi khẩn trương lắm , công an tự vệ chốt ở các cửa ô không cho người vào thành phố , dòng người di tản kín đặc hơn giờ tan tầm cao điểm thời bây giờ . Tản cư nửa triệu người trong thời gian ngắn đâu phải chuyện dễ . Các loại phương tiện được huy động tốt đa xe đạp , xích lô , ba gác , ô tô, tàu xuồng các loại trừ tàu bay thi chưa thấy cố dồn hết dân Hà Nội còn lại ra ngoại ô nhằm tránh tổn thất khi tàu bay Mĩ thả bom. Liều mình hai thằng gửi xe đạp ở Cầu Mới rồi tìm đường đi bộ lần về nhà . Bố mẹ mừng lắm như đuổi đi ngay , rồi giao hẹn tình hình rất căng thẳng bao giờ nhà trường cho về thì mới được về . Ôm túi mì sợi hai thằng thất thểu quay về Quảng Bị .
Quả tình đi học thời gian đó tản mạn lắm . Học được ít ngáo ngơ thì nhiều . Thời gian này ban ngày tàu bay Mĩ bay rợp trời , chúng làm chủ không trung hết lớp này đến lớp khác . Chả là tàu bay Mĩ toàn vào Hà Nội từ phía Tây – Tây Bắc mà trường lại khéo chọn địa điểm sơ tán ở phía Tây Hà Nội nên chúng tôi chứng kiến nhiều trận không chiến không cân sức giữa không quân ta và không lực Hoa Kì : Những chú MIG 21 của ta đánh theo kiểu du kích cứ nhô cao ra là làm mồi cho lũ F4H đông như kiến cỏ làm thịt , thương lắm nhiều anh bay thấp trúng tên lửa không kịp nhảy dù người và tàu bay cháy thành than luôn . Ban đêm yên tĩnh hơn , cái yên lặng đáng sợ mà ai cũng hình dung một cái gì đó khủng khiếp sắp xảy ra . Còn lũ trẻ ranh chúng tôi nào biết gì đâu vẫn ăn ngon , ngủ yên như bao ngày đã qua .
Rồi cái yên lặng đáng sợ đó cũng vỡ òa vào đêm 18.12 . Buổi chiều cả lũ con trai vẫn còn mải mê quần bóng gôn tôm nơi sân kho HT , báo hại thằng Minh Dũng ( Dũng thuế - Nam Đồng ) bị chèn ngã, tay sái bong gân, sai khớt sưng vù . Lễ mễ quên ăn mấy thằng Hiền bựa ( hq ) , Đông kisot , Văn Dũng cùng tôi khênh đưa nó vào bệnh viện huyện gần đó .Khi quay về tối lắm chẳng nhìn thấy đường , chắc hơn 8h tối gì đó .
Bỗng bầu trời sáng rực bởi ánh sáng lửa đạn của trận địa tên lửa gần đó , bấy giờ mới nghe thấy tiếng “ ù ù “ như tiếng say lúa trên đầu .Một lúc sau một bức tường lửa dựng ngược lên góc trời phía Hà Nội ,chỉ nghe những tiếng ình ịch liên hồi trong lòng đất sau những tia chớp lửa liên hồi .
À ! Thì ra sau đó mới biết đó là bom B52 rải thảm , lũ trẻ ranh chỉ biết giương mắt nhìn háo hức khám phá , bàn tán ngược xuôi ,có biết gì đâu!Tiếng bom rơi , đạn bắn lên ùng oàng cả đêm cho tới rạng sáng mới dứt .Sáng ra người lớn thì thào trao đổi với nhau , lũ trẻ chúng tôi nghơ ngác rồi chợt hiểu tai họa đang rình dập chờ giáng xuống người thân của mình .
Cả đêm hôm sau cảnh tượng còn khủng khiếp hơn đêm hôm trước , khắp vùng trời Hà Nội từng đợt sáng rực như ban ngày , sau chuyển thành thứ ánh sáng vàng nhờ nhờ của bom , đạn sắc vàng loét , yếu ớt mang bóng dáng thần chết lơ lửng bay trên đầu . Chúng tôi cả lũ đứng cạnh nhau nơi sân kho như bầy gà con nhớn nhác tìm mẹ , cùng hướng về phía Hà Nội . Bọn con gái thút thít khóc , sau đó cả bọn trai gái ôm nhau khóc thảm thiết , trước mặt kia thôi đường chim bay không tới hai chục cây số bố mẹ , người thân chúng tôi đang chìm trong lửa bom đạn , sống chết thế nào chẳng ai rõ nữa .
Đêm đó mẹ tôi suýt dính loạt bom đầu tiên ở Cầu Đuống khi sang tổng kho Bắc Sông Hồng nơi bà làm việc . Bà thuật lại khi nghe tiếng kẻng báo động chỉ kịp vứt xe đạp lao vào hố tăng xê cá nhân là bom đã nổ ù tai xung quanh không còn biết trời đất gì nữa . Nửa tiếng sau chui lên véo mũi, véo tai mới biết là mình còn sống , suốt dọc đường đến ga Yên Viên người chết la liệt , hàng hóa ở các kho tàng tung tóe đầy đường . Ơn trời đất và Tiên Tổ độ trì mẹ đã may mắn thoát chết . Sợ run người nhưng mẹ vẫn lần về được cơ quan , để hôm sau ông trưởng phòng phải đuổi mãi mới về khu sơ tán .
Ngày đó xã hội thực nghiêm không có hôi của , trộm cắp bao giờ . Nhà đi sơ tán chỉ cần buộc hờ cũng xong chẳng bù cho bây giờ nạn cướp giật , giết người cướp của xảy ra như cơm bữa .
Sáng ra lũ chúng tôi những khuôn mặt ngơ ngác , hốc hác vì đêm không ngủ , những gương mặt lầm lì nhìn nhau . Chẳng đứa nào nói với nhau nửa lời nhưng cũng thừa biết lũ chúng nó đang lo nghĩ gì ? Nhà trường vấn an và quản lí chặt lũ cá biệt chúng tôi .Tin tức chính thức chỉ nhờ vào cái đài bán dẫn Xiêng Mao của ông chủ tịch huyện nhà ở trong thôn : Tàu bay Mĩ đánh phá ga Giáp Bát , Văn Điển , Yên Viên … bộ đội tên lửa bắn hạ ba tàu bay B52 có chiếc rơi tại chỗ , thảo nào đêm trước có vệt tàu bay cháy như bó đốc lớn phía đằng Sơn Tây.
Được vài ngày chúng tôi đã quen ngay với không khí chiến tranh , bom rơi đạn lạc .Ban ngày tàu bay cường kích , tiêm kích Mĩ sục sạo tìm đánh các trận địa phòng không , nhất là tên lửa .Trận địa gần trường các anh bộ đội tên lửa sử dụng sau hai đêm đầu cũng chuyển đi từ lúc nào không biết . Tối đến ít nhất có hai cữ bom , có đêm ba lần tàu bay B52 rải thảm , cứ nhìn tên lửa bắn lên là biết có B52 . Những chiếc siêu pháo đài bay từ Guyam , Utapao từng tốp 3 chiếc lừng lững bay vào ở độ cao trên dưới 10 cây số kèm theo chúng là một bầy tàu bay cường kích , tiêm kích lớp trên lớp dưới , đàng trước , đàng sau không kém ba chục chú .
Người Mĩ chỉ mới đem B52 sử dụng trong chiến tranh Việt Nam mà chỉ sử dụng từ vĩ tuyến 17 vào mạn trong . Đại tá Phùng Thế Tài tư lệnh quân chủng PKKQ đã bao lần chỉ đạo thử nghiệm đánh B52 ở Quảng Bình và Vĩnh Linh mà chưa thành công lần nào.Ông anh họ tôi bên bộ đội tên lửa sau này tiết lộ : một trong những nguyên nhân chính lúc đầu không bắn hạ được B52 là tầm với của tên lửa SAM 2 Liên Xô khi đó không đạt được cao độ 10 cây số và nhiễu như sao sa khiến ra đa chịu chết không biết đường nào mà lần.
Hèn gì trận 16.4.1972 bộ đội tên lửa , pháo phòng không 100 li của sư đoàn 363 bảo vệ Hải Phòng bắn như đổ đạn lên trời mà chẳng chạm đến lông chân mấy tay phi công Mĩ nên lần này người Mĩ đâm ra chủ quan . Cứu cánh cho bộ đội tên lửa ta chính lại là giáo sư Trần Đại Nghĩa và nhóm cộng sự của ông , người chiến sĩ quân giới Việt Nam năm xưa đã có những nghiên cứu cải tiến kịp thời giúp tên lửa SAM2 vượt độ cao cho phép , cán đích thành công kiến cho người Nga ngỡ ngàng . Giờ đây công lao của người con đất Việt ưu tú chỉ được nhắc đến bởi một con phố ngắn , khiêm tốn cắt ngang qua trường ĐH Bách khoa mới được hình thành mấy năm gần đây.
Cuộc đọ vũ khí giữa hai siêu cường , hai phe đối địch diễn ra khốc liệt trên đất Hà Nội , hàng ngàn tấn bom đạn trút xuống thì cũng có hàng ngàn tấn đạn tên lửa , pháo súng các loại đổ lên trời . Hàng đêm bầu trời Hà Nội mịt mù khói súng , khét lẹt mùi diêm sinh . Có báo động , theo phân ô chỉ đạo các cỡ súng phòng không tầm thấp đua nhau nhả đạn vào không trung , nói thẳng ra trời mù sương tối đen như mực các bố , các mẹ có nhìn thấy gì đâu ! Cứ bắn đại để dọa là chính ,thế mà may mắn cũng vợt được tàu bay tàng hình F111A của không lực Hoa Ki mới kinh ! Hai đơn vị tự vệ n/m xay Lương Yên và dệt 8.3 còn suýt được tuyên dương đơn vị anh hùng ?
Ngày 25.12 tự dưng yên ắng khác hẳn ngày thường ,sau rồi người lớn bảo : Người Mĩ nghỉ đánh nhau để ăn Nô en , hệt như ông anh đi lính sang Lào kể chuyện lính Pathets Lao ba ngày tết lễ té nước là buông súng chơi tết không quan tâm chiến trận ra sao , bỏ mặc lính tình nguyện Việt Nam muốn làm gì thì làm mới ngộ ! Chính vì chủ quan những người dân Khâm Thiên từ nơi sơ tán mò về nhà mới chết tức tưởi vào đêm 26.12 .
Trong chiến tranh hai bên đối địch nhau luôn dở mọi âm ưu , thủ đoạn tàn nhẫn để đạt được mục đích của mình . Người Mĩ cũng chẳng phải nhân đạo hay tử tế gì . Nhưng phải thấy rõ ràng Nixson không có ý định san phẳng hủy diệt thành phố Hà Nội như hủy diệt thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến năm 1950 , thủ đô Bình Nhưỡng không còn một bức tường nào cao quá 1m . Cả cuộc chiến 12 ngày đêm nội thành bị đúng hai vệt bom :Vệt phố Khâm Thiên , bom rơi đàng sau , mặt tiền phía trước hầu như còn nguyên vẹn . Tàu bay Mĩ đánh trận địa phòng không ở bãi pháo Xã Đàn . Vệt rớt trúng bệnh viện Bạch Mai cũng là những quả bom sót khi oanh kích sân bay Bạch Mai quá đà bay qua đường Tàu Bay . Chiến tranh bom rơi , đạn lạc là chuyện bình thường . Ai cũng biết ! Còn sòng phẳng mà nói nội thành Hà Nội thời đó bé như lòng bàn tay với phương tiện và vũ khí bom đạn trong tay người Mĩ chỉ cần bay cao bấm nút ,chỉ một đêm thôi Hà Nội sẽ khác gì Bình Nhưỡng 22 năm về trước .
Sau đêm 26.12 tàu bay Mĩ đánh phá Hà Nội ít đi mà chủ yếu đánh Thái Nguyên , Hải Phòng nhằm cắt đứt nguồn lực tiếp tế cho Hà Nội . Ông anh bên bộ đội tên lửa sau này bộc bạch : Tình thế càng ngày càng bi đát , ba sư đoàn phòng không 361, 363, 365 của quân chủng thiệt hại đáng kể , phải co cụm lại để bảo vệ Thủ đô và thành phố Cảng cái yết hầu của Miền Bắc . Lương thực , thực phẩm từ nước bạn qua đường Lạng Sơn chuyển chưa kịp , đạn dược cạn kiệt bí nhất là tên lửa SAM2 chuyển gấp từ khu bốn ra cũng sắp bắn hết . Thảo nào những đêm cuối khi B52 vào thi thoảng mới có loạt tên lửa bắn lên . Được biết khi đó ta đã có hai trung đoàn tên lửa SAM 3 – NEVA125 mới ở Nga về : Người về Hà Nội mấy tháng rồi mà khí tài thì vẫn nằm ở Trung Quốc ? Người ta đồn do thỏa thuận Trung – Mỹ tại hội đàm Thượng Hải . Người TQ đã bán rẻ người em Việt mất rồi . Bởi vậy các anh bộ đội tên lửa ở hai trung đoàn SAM3 ra trận đánh B52 bằng tay không và niềm tin ! Tin tưởng SAM 3 về kịp thì B52 Mỹ coi chừng , cứ rụng như sung . Nhưng rồi nhiều anh trong trung đoàn đã hy sinh vì bom Mỹ tại Uy Nỗ – Đông Anh
Đêm cuối 29.12 được kết thúc bằng quả bom 500 bảng Anh của chú cánh cụp cánh xòe F111 ném vào bãi pháo của mấy o dệt 8.3 trượt bay đúng vào nhà tôi , hố bom giữa nhà sâu hút , nay nó là khu đô thị sầm uất Times city của HN . Sau này có người nói dại Mĩ ném bom thêm vài ngày nữa thì chẳng biết Hà Nội sẽ đi về đâu ?
Người Việt bị dồn vào đường cùng , ý chí quật cường chợt phát tiết ! Tại thời khắc đó : Thiên thời , địa lợi , nhân hòa đã giúp người Việt thoát được sự áp đặt của người Mĩ . Hiệp định đình chiến Pa Ris được kí kết , người dân Việt cả hai miền thở phào . Đình chiến đồng nghĩa với không còn chết chóc ,mất mát .
Chiến dịch Linebacker 2 kết thúc . Người Mĩ bảo bị mất 11 B52 , còn ta báo bắn hạ 34 siêu pháo đài bay . Chẳng biết thông tin nào là thực là hư , chỉ biết có khoảng dăm cái B52 rơi tại chỗ là chính xác .
Đầu tháng 1.1973 chúng tôi rời Quảng Bị về Hà Nội , nhớ nhất là kem que , kem một hào hai chiếc – một chiếc năm xu . Thế là còn bao nhiêu tiền dốc ống cả bọn kéo nhau tới quầy kem của nhà máy nước đá ở Lò Sũ thi nhau chén tơi bời , kỉ lục vẫn là thằng ngịch ngợm Minh Dũng nó chén được hai chục que kem bốc khói nóng ròn , để rồi hôm sau mồm miệng sưng vù .
Bốn mươi năm rồi cái cảm giác nghẹn ngào , lâng lâng không thể nào quên khi nghe giọng khàn , ấm áp của ca sĩ Kim Oanh (hay Vân Khánh )hát bài “ Đường chúng ta đi “ của nhạc sĩ Huy Du – thơ Xuân Sách :
Việt Nam! trên đường chúng ta đi.
Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó.
Nghe sóng biển ầm vang xa tận tới chân trời.
Nghe ấm lòng những khi đang dồn bước, mà vui sao ta chẳng nói nên lời …
làm rung động cả triệu con tim .
Cái tết Quí Sửu năm 1973 dân Hà Nội đón một cái tết yên bình – Đêm giao thừa xác pháo đỏ thắm dày hàng phân xung quanh Bờ Hồ .
Cuộc chiến với người Mĩ bốn mươi năm về trước đã lùi xa , đau thương , mất mát dần được xoa dịu . Đừng hận thù nhau nữa , hãy khép cửa quá khứ oai hùng đầy bi tráng mà hướng tới tương lai thì dân tộc Việt mới mong sánh vai với các cường quốc Năm châu như cụ Hồ mong đợi .
Suy cho cùng độc lập dân tộc quý thật song đến giờ dân ta cứ mãi sống trong đói nghèo , luôn phấp phỏng lo âu chiến tranh thì độc lập , tự do đó phỏng có ích gì ! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét