Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

NHỚ LẠI MỘT BÀI VIẾT !

                  Trào lưu viết hồi kí , viết về những câu chuyện xa xưa đang phổ biến ở những người có tuổi.Chúng ta thuộc lớp người này. Nhưng để viết được cũng không nhiều.Chỉ những người có viết nhật kí từ khi vào trường thì mới có những tư liệu về ngày tháng , địa điểm diễn ra sự kiện.
HÌNH ẢNH XƯA _ MỘT THỜI _ NGƯỜI YÊU DẤU !
Với trường ta thì từ sân bóng hay đồi guột, hay các quả đồi trong đêm trăng đều gắn liền với những việc cụ thể, với những con người cụ thể.K6 hiện có Trần Minh Hải với loạt bài :
     _ NHỚ ĐÂU KỂ ĐÓ
     _ LỚP K10IA CỦA TÔI
     _ NHẬT KÍ TRẦN MINH HẢI
Đã được đăng ở  BLOG K6BC11R và BLOG CSV K6 CƠ ĐIỆN.
Rất cám ơn TMH đã cho chúng ta sống lại K6 một thời máu lửa, K10 một thời thơ mộng của tuổi sinh viên.
Trong bài viết này tôi muốn nói đến một tác giả khác ,  anh là CSV K10.Anh viết không nhiều. Nhưng những bài anh viết giọng văn như có lửa, nhắc ta nhớ lại những ngày tháng chiến tranh gian khổ trong con mắt của một cậu học sinh phổ thông, mà ở đây là hình ảnh HN thời kì máy bay Mỹ ném bom , rồi hình ảnh bà con đi sơ tán. Cho đến sau này anh vẫn giữ cách viết thẳng thắn nhất là trong thời buổi văn hóa mạng bây giờ.Những lời còm của anh rất khó nghe nhưng khi hiểu thì thấy anh chàng này chỉ nói thế thôi chứ không có gì đâu. Mà quả thực anh ta là vây.
Được sự đồng ý của Tác giả và BBT từ hôm nay BLOG CSV K6 CƠ ĐIỆN sẽ đăng bài viết của anh
THỦ ĐÔ HÀ NỘI !
.
       

                                                   HÀ NỘI MÁU VÀ HOA
     
           _Phần một

Bốn mươi năm về trước chúng tôi , một lũ thiếu niên mới lớn lên bước vào tuổi thanh niên choai choai , gà chưa vỡ bọng cứt .Vậy mà khối đứa đã dậy thì rồi đấy ! Đang tuổi ăn , tuổi ngủ . Vô lo vô nghĩ chỉ biết ăn , học , chơi người lớn bảo sao nghe vậy . Chỉ hiểu mù mờ về chiến tranh , bom đạn , chết chóc .
Sau đợt phát động lại cuộc chiến tranh trên không của người Mĩ qua vĩ tuyến 17 vào miền Bắc , dân Hà Nội lại được nghe tiếng còi ủ rền rĩ báo động trên nóc nhà Hát nhớn . Bốn mươi năm rồi vẫn nghe văng vẳng đâu đây tiếng cô phát thanh viên đài truyền thanh Hà Nội trên chiếc loa Galen treo trên góc nhà : “ Đồng bào chu ý ! Máy bay địch cách Hà Nội 50 cây số , đồng bào khẩn trương xuống hầm trú ẩn . Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu !”
 Người bống thấy nao nao , rạo rực , mắt cay sè .
Thời đó hẳn ai sống ở Hà Nội cũng nhớ mở đầu đợt II là của Nixson không kích Hà Nội là ngày 16.04.1972 . Trưa hôm đó đang xếp hàng mua cá bể ở của hàng thực phẩm Vân Hồ tôi chạy tọt sang trú vào hầm của khu Liên cơ , máy bay gầm rít , súng nổ rền trời ,mảnh đạn rơi rào rào xuống hàng xà cừ bên đường . Bom trúng kho xăng Đức Giang khói bay ngút trời , ba ngày sau mới hết . Ở quán bia Ngọc Hà một người dân xuống hố tăng xê rồi mải nhô đầu lên xem không chiến bị rốc két bắn bay đầu . Tối hôm đó lần đầu tiên B52 đánh sâu vào Miền Bắc , chúng rải thảm cảng Hải Phòng từ cổng Cảng số 2 xuống đến tận cảng Chùa Vẽ gây cho chúng ta thiệt hại nặng nề . Khi xem trộm tài liệu “ mật “ của ông Bố thì biết trận đó riêng tên lửa ta phóng hơn 100 quả nhưng không hạ được một tàu bay nào ?
Rồi Nixson đã làm được điều mà Johnson không làm được : Bắn sập cầu Long Biên , đánh hỏng nhà máy đèn Yên Phụ , bắn tan đại sứ quán Pháp trên phố Bà Triệu, bắn bay đồng hồ ga Hàng Cỏ hòng uy hiếp tinh thần người dân Hà Nội .
MÁY BAY B52 RẢI THẢM HÀ NỘI
CẦU LONG BIÊN TRÚNG BOM KẺ THÙ

BỆNH VIỆN BẠCH MAI THÀNH ĐỐNG GẠCH VỤN


PHỐ KHÂM THIÊN _ ĐÚNG CHỖ NÀY SAU NÀY LÀ ĐÀI TƯỞNG NIỆM
          _Dân Hà Nội ùn ùn kéo nhau đi sơ tán : Người có họ hàng , quê quán thì về quê , kẻ không có quê thì sơ tán theo cơ quan , trường , trại … Chỉ có những người khỏe mạnh và có nhiệm vụ mới được phép ở lại Thủ đô ấy vậy mà hễ hở ra ngơi tiếng bon , ngớt tiếng tàu bay là ai nấy cũng nhấp nhổm muốn bò về nhà xem sao ?
Anh em nhà chúng tôi từ tháng 6.1972 đã dắt díu nhau lên nhà ông bác ở phủ Vĩnh Tường quê hương ông Tổng Cóc sơ tán , sau rồi chê chán vì xa bố mẹ đến tháng 10 các cụ lại đón về Gia Bình – Đông Côi – Thuận Thành ngay sát bến Hồ với chiến công cái đầu cô em gái út đầy chấy ( dễ có đến mấy trăm con ) đến phát khiếp .
Cũng lạ thời đó liều mạng chẳng biết sợ là gì , cứ cách một tuần thứ 7 hay chủ nhật là tôi lại đạp xe đạp một mình về Hà Nội thăm bố mẹ và lấy đồ tiếp tế về cho các em. Quãng đường từ nhà qua cầu phao Chương Dương , dọc đê Bồ Đề hướng ra Phi trường qua Thạch Bàn xuôi Sủi , Dâu , Keo đến Đông Côi dễ cũng hơn ba chục cây số chẳng thấm gì so với sức tuổi 16 bẻ gãy sừng bò , giờ nghĩ lại thấy mà khiếp !
Lo cho con sợ nó thất học , Cha tôi liền gửi tôi sơ tán theo trường cũ (Số là tôi đang học lớp 8H trường PTCN Đống Đa thì chuyển về học lớp 8A trường PTCN Hai Bà Trưng trong ngõ Mai Hương cho gần nhà ).
Trường chúng tôi sơ tán ở tại Quảng Bị - Chương Mĩ – Hà Tây . Những ai thủa trước còn nhớ lại không;  _ Từ Bờ Hồ lên xe Kaloosa đi Hà Đông – qua ngầm Mai Lĩnh – đến Trúc Sơn ( núi Ông Bụt ) tiền vé xe chỉ hết có hai hào thôi . Khổ nỗi phải đi bộ lếch thếch 6 cây số mới tới Quảng Bị . Trên vai ba lô , nách cắp túi dết , tay xách bàn học cá nhân kiểu bàn gấp xếp giống lão ba tàu bán nộm bò khô hay lạc ngọt húng liù ở quán bia Cổ Tân .
Tôi được xếp ở nhà bà Ba Khuyến cùng thằng Vũ cương ( bây giờ nó làm sếp lớn ở giày Hiệp Hưng trong Sài Gòn ) , Bà và hai thằng con trai quí mến bọn tôi lắm , lo từng miếng ăn, giấc ngủ đến bọn trai làng hay giở trò trêu , ghẹo bắt nạt dân Hà Nội sơ tán . Trộm nghĩ bây giờ làm sao có được sự xẻ chia  tình cảm thân thương đó nữa ? Ngày đi học qua cánh đồng làng bên , chiều ra sân kho HTX đá bóng , tối ra bờ sông Đáy bên cầu nghêu ngao hát nhạc vàng, phì phèo thuốc lá và ăn kẹo dồi – đứa nào cũng tranh nhau đọan cuối của khúc kẹo dồi mà nhớ ! 
                      
                                                                                             TIỀU PHU _ CÒN NỮA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét